Sau khi dự lễ đón chính thức các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự phiên thảo luận chung về các vấn đề xử lý khủng hoảng và phát triển bền vững.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm 3 phiên, với các chủ đề: "Hợp tác xử lý đa khủng hoảng" (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới), "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng" (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương).
Hội nghị dự kiến thông qua "Chương trình hành động Hiroshima về an ninh lương thực toàn cầu tự cường". Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.
Trước hết, đó là phiên thảo luận về chủ đề "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng". Phiên thảo luận này tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cùng lãnh đạo các nước cũng tham phiên thảo luận về chủ đề "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững", tập trung bàn thảo về khí hậu, môi trường và năng lượng; và phiên thảo luận "Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7".
Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19-22/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong đó Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 20-21/5.
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng có lãnh đạo cấp cao 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến thuộc nhóm G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy) và các khách mời là lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á).
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai theo lời mời của Nhật Bản. Điều này cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản, Chủ tịch G7 năm 2023 nói riêng và Nhóm G7 nói chung với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực.
Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện qua việc Nhật Bản và các nước G7 khác mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng.
Về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đến nay, tình cảm chân thành, tin cậy lẫn nhau và tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đã lan tỏa sâu rộng trong hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân của hai nước. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác cung cấp ODA nhiều nhất cho Việt Nam, là đối tác lớn thứ 3 về đầu tư FDI và du lịch, lớn thứ 4 về trao đổi thương mại.
Hai nước tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, nhất là hợp tác phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận, hiệp định song phương đã ký, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, CPTPP, RCEP...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tham dự phiên thảo luận "Cùng hợp tác giải quyết đa khủng hoảng" (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
"Chúng ta sẵn sàng cùng với Nhật Bản tìm những hướng đi mới và các cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực hai nước có tiềm năng lớn như khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực; tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, kết nối cơ sở hạ tầng, nhất là ở Đông Nam Á và tiểu vùng Mekong, hợp tác phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
* Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến ngày 21/5/2023.
* Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Nhật Bản có 5.050 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 69,4 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn: Chính phủ và Dân Trí